Trung Quốc, Indonesia tăng mua, giá gạo Việt kéo dài đà tăng
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022
Theo bản tin thị trường nông sản của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu gạo tháng 3-2023 ước đạt 900.000 tấn, giá trị đạt 480 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD, giảm 19% về khối lượng nhưng tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Ba tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu Việt Nam bình quân 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023 với 43% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 401.980 tấn và 204,69 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 17% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2023, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 304 lần).
Tháng 3-2023, giá gạo xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt ở châu Á tăng giảm trái chiều.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 450 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 440 - 445 USD/tấn vào đầu tháng.
Các thương nhân nhận định giá gạo tăng do các chuyến hàng đến Trung Quốc đang phục hồi và Indonesia cũng đang mua thêm để cải thiện dự trữ quốc gia.
Động thái cắt giảm lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương sẽ thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu gạo.
Còn tại Thái Lan, gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 455 USD/tấn, giảm 18 USD/tấn so với trung bình tháng 2-2023.
Giá gạo Thái Lan đang chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi trong tỉ giá hối đoái, tình hình cung cầu khá trầm lắng. Đồng baht suy yếu khiến hàng xuất khẩu từ nước này rẻ hơn tính theo đồng đô la.
Còn tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm ở mức 382 - 387 USD/tấn, giảm 14 USD so với trung bình tháng 2-2023. Hiện tại, đồng rupee giảm giá cho phép các nhà xuất khẩu giảm giá chào bán. Nhu cầu từ các nước châu Phi vẫn yếu.
Giá lúa trong nước biến động
Tại thị trường trong nước, giá lúa tươi biến động trái chiều giữa các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lúa thường IR50404 tại An Giang hiện có giá 5.900 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg so với tháng 2-2023; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.100 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, giá lúa giảm khá nhiều do đang vào vụ thu hoạch rộ, lúa IR50404 ở mức 5.900 - 6.100 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.200 - 6.300 đồng/kg, giảm mạnh 700 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.400 - 6.600 đồng/kg, giảm 800 đồng/kg.
Trái lại, lúa IR50404 tại Vĩnh Long hiện có giá 6.700 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tháng 2-2023. Bạc Liêu thu hoạch lúa đông xuân chậm hơn so với các địa phương khác, lúa Đài thơm 8 ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg, lúa ST24, ST25 ở mức 6.250 đồng/kg.
Thị trường gạo các tỉnh miền Nam bình ổn, với giá gạo IR50404 tại Vĩnh Long giữ ở 13.000 đồng/kg, gạo Jasmine 16.000 đồng/kg; gạo IR50404 An Giang ở mức 11.500 đồng/kg; gạo Jasmine 15.000 đồng/kg. Gạo thơm Thái Lan tại TP.HCM ở mức 22.000 đồng/kg, thơm Đài Loan tại TP.HCM và Vĩnh Long ổn định ở 24.000 đồng/kg (bán lẻ) và 19.000 đồng/kg (bán buôn).
Gạo tẻ thường và gạo Tài nguyên tại thị trường TP.HCM có giá 14.000 đồng/kg và 20.000 đồng/kg.
Tại thị trường miền Bắc, giá gạo giảm nhẹ. Trong đó, giá bán buôn lúa Khang Dân tại Hà Nội ở mức 7.500 đồng/kg, gạo ở mức 13.000 - 14.000 đồng/kg; trong khi tại Hưng Yên giảm 500 đồng/kg xuống 10.500 đồng/kg.
Tại Nam Định, gạo Bắc thơm giảm 500 đồng/kg xuống 15.000 đồng/kg; trong khi gạo tạp giao đứng ở mức 12.000 đồng/kg, thóc tăng 200 đồng/kg lên 7.700 đồng/kg.